THUẬT LINH THỊ

Thuật  Linh  Thị

 

Có người nói rằng chưa thấy ai cho giải thích thỏa đáng về thuật linh thị psychometry. nên sau đây là nỗ lực tìm hiểu vài nguyên tắc của một ngành thuộc khoa thông nhãn này.
Có lẽ bạn đã nghe ai biết thuật linh thị có thể cầm trong tay một vật, và đọc được lai lịch của vật cùng khung cảnh ngay quanh nó; nếu khéo léo họ còn có thể cho chi tiết chính xác về tình trạng hiện giờ của vật, và không chừng ngay cả tương lai của nó cũng thấy được.
Ai tìm hiểu về huyền bí học có thể cho biết là mỗi vật được một bể Akasha bao quanh, nói khác đi là vật nằm hay hiện hữu trong bể Akasha, với Akasha ấy ghi lại không gì xóa nhòa được trọn lịch sử của nó; và thuật linh thị là thuật tiếp xúc cùng đọc được những gì lưu trữ ấy. Còn với câu hỏi về tương lai và khung cảnh chung quanh vật, người ta phải nói về tính cách tương đối của thời gian, và ý niệm khó nắm bắt về Hiện Tại vĩnh cửu - NOW.
Mới nhìn thì giải thích như vậy tạm đủ, và chắc chắn đặt căn bản để hiểu hiện tượng, nhưng khi xem kỹ hiện tượng thì câu hỏi không dễ dàng được trả lời. Có vẻ như thời gian lẫn không gian không giới hạn được thuật này. Đưa người biết thuật một vật lấy từ phế tích của đền thờ thánh Columb trên đảo Iona, thì họ không thấy Iona như từ vị trí ở thế kỷ 20 mà thôi; họ thấy đảo như thực sự ở bất cứ quãng thời gian nào trong lịch sử của nó, như thể chính họ hiện diện trong quãng đó; họ không thấy nó như qua một viễn vọng kính từ phòng của họ, hay buổi họp ở cách 800 km về phía nam, mà là họ đứng ngay trên đảo và ngay bên trong đền thờ nếu muốn; họ nghe tiếng sóng vỗ vào bờ của đảo, cảm được điều kiện thời tiết, và còn có thể thực sự cảm nhận trời lạnh quá hay nóng quá, trong xác thân vật chất hiện đang có của mình.
Bất kể vật một hay một ngàn tuổi, lịch sử của nó luôn có sẵn đó cho nhãn quan bên trong của ai biết thuật xem.
Lời giải thích duy nhất có thể có cho điều này, có vẻ là sự hiện hữu và hoạt động của Thiên ảnh ký - Akashic Records, là cái tạo nên phần ký ức của Tâm thức Thiêng liêng; Thiên ảnh ký hiện hữu nơi những cõi thấp như là làn rung động, và mỗi vật được trọn ký ức của tất cả sự sống của nó dưới dạng rung động bao quanh. Như thế khi người thợ lục lộ đập cái móc vào tảng đá nguyên thủy, làm tung tóe mảnh vụn ra chung quanh anh, mỗi mảnh vụn ấy cũng như tảng đá có in khắc không xóa nhòa được cái chấn động, hay làn rung động sinh ra do cái móc va chạm, khiến cho ai có linh thị khi cầm lấy bất cứ phần nào của tảng đá ấy, tiếp xúc được với rung động đó và chuyển nó thành tâm thức, để sau rốt thành hình ảnh đầy mầu sắc của cảnh tượng thực.
Nếu chuyện là vậy thì nó dẫn tới câu hỏi kế:
– Làn rung động giữ trong đó được chuyển thành hình ảnh sống động trong cái trí, hay tâm thức bên trong của người, theo cách nào ?
Nói cách khác, làm sao lực rung động, bao quanh và thấm sâu vào một vật, trở thành hình ảnh ? Hơn nữa, bằng cách nào mà ai biết thuật chẳng những có thể thấy hình ảnh như là người quan sát, mà còn đặt tâm thức mình vào chỗ thực sự xẩy ra chuyện ? Cái thay đổi thứ hai này đáng nói hơn cái đầu, vì ai biết thuật thay đổi từ người quan sát một hình ảnh lớn, nhỏ thành kẻ tham dự vào cảnh thực sự, trong khi đó hình ảnh không còn là sự chú tâm bên ngoài vào một sự việc trước mắt cái trí, mà đã trở thành một khung cảnh hoàn toàn trong tâm trí.
Trong trường hợp mảnh vụn của tảng đá, họ thấy mình quan sát trọn khung cảnh, như thể họ thực sự hiện diện tại một điểm nào đó trong hay ngoài khu lấy đá; thêm vào đó, nếu muốn và có nhiều khả năng về thuật này, họ có thể tiếp tục việc quan sát chuyện xẩy ra trước hoặc sau sự việc; họ có thể quan sát tiến trình thực sự của việc tạo hình chính tảng đá, hay có thể theo người phu đập đá đi về nhà và tả lại cảnh nhà, trạng thái tâm thức của người này, và đi trọn vẹn vào việc thấy đầy đủ cuộc dời của anh.
Trong khi tất cả những hiểu biết chi tiết này có thể lấy được, bằng cách tiếp xúc với một mảnh vụn của tảng đá bị đập, và đọc từ đó, ta phải nhớ rằng người phu đập đá không nhất thiết chạm vào mảnh vụn, và do vậy khó thề nói là nó nhiễm làn rung động về đời người này, hình dáng và cảnh nhà. Vậy, làm sao hiểu biết có được ?
Một người có thông nhãn mà tôi quen, luôn luôn đòi hỏi là ta cho biết muốn họ tìm theo hướng nào, để có thể có được hiểu biết muốn tìm; anh bảo là sau khi có tiếp xúc nào đó với người hay nơi chốn, anh có thể tẽ ra theo nhiều hướng khác nhau, nghĩa là hướng về thân nhân, nhà cửa, nghề nghiệp, chức vị, hay nếu cần thì chú tâm hoàn toàn vào sức khỏe.
Có lần, khi cầm một bông tai bằng đá, anh bắt đầu tả trái đất của chúng ta trong lúc hỗn mang, hiển nhiên là anh tiếp xúc được với lịch sử thành hình của phần đá của chiếc hoa tai; khi được cho hay đích nhắm của việc tìm hiểu là chủ nhân hiện tại của nó, anh lập tức có thể mô tả cô chính xác, với cử chỉ hay thấy, thói quen của tâm trí, và ngay cả tên cô.
Một khía cạnh khác của thuật linh thị đáng tìm hiểu, là sự kiện ai biết thuật sẽ thực sự sinh ra trong chính người họ, tình trạng của một thời điểm nào đó trong lịch sử của vật. Cũng anh bạn nói trên được nhờ tìm hiểu một mảnh đá lấy từ chỗ gọi là vòng Druids, gần vùng Peak của Derbyshire ở giữa Anh quốc. Anh bắt đầu tả trước tiên cảnh của vùng, theo cái nhín của người đứng trên đỉnh đồi chỗ lấy hòn đá; rồi anh thấy cuộc rước lễ và một buổi hành lễ; ở đó có một người sống bị làm nạn nhân tế thần. Anh bảo người này là một cô gái bị trói nằm bên cạnh một hòn đá là bàn tế lễ.
Sau nghi lễ triệu thỉnh có tính ma quái, tới lúc tế thần và anh có cử động bất an rồi bắt đầu run lên dữ dội, không mô tả được nữa. Thấy rõ là anh cố gắng hết sức để lấy lại tự chủ; sau một hồi ngưng lại, anh nói với cảm xúc mạnh mẽ:
– Có một tinh linh xấu xa liên kết với trọn chuyện này và tôi tiếp xúc với nó - nó muốn chiếm nhập tôi - tôi ghét lắm ! - tôi ghét lắm !
và anh cầm lấy hón đá bỏ vào lửa, dùng thanh cời than đẩy nó vào ngọn lửa, tỏ ra hết sức rúng động cho tới khi hòn đá bị khuất đi trong than hồng tỏa sáng. Khi đó anh khuyến cáo tôi về nguy hiểm của việc giữ vật như thế làm kỷ niệm hay trưng bầy trong nhà, và cuộc thí nghiệm của chúng tôi chấm dứt vào tối hôm ấy.
Xem nào, tôi lấy hòn đá từ đống đá trên đỉnh đồi, và nó nằm trên bệ lò sưởi bên cạnh một viên đá khác đem về từ Cader Idris ở bờ tây nam Anh quốc (thuộc xứ Wales); đây là một viên đá thạch anh trắng có vẻ đẹp khác thường, và một thời gian sau chuyện kể ở trên, một người có thông nhãn khác xem xét nó với vẻ thích thú.
– Anh thấy nó có gì không ?
Tôi hỏi, và sau vài phút, anh bắt đầu mô tả chính xác, y hệt cảnh mà người bạn đầu nói về viên đá Druids đã bị tiêu hủy hoàn toàn trong lửa mấy tháng trước; anh cũng cảm thấy khung cảnh không hay, và khuyên tôi bỏ hòn đá Cader Idris này đi.
Chuyện như vậy rõ rệt là một trường hợp nhiễm làn rung động: hòn đá trắng (ở xứ Wales, cách xa Derbyshire) có lẽ trinh nguyên không nhiễm từ lực mạnh mẽ nào của người, và bị nhiễm với lực tỏa ra từ hòn lấy ở Derbyshire, là vật nhiễm rung động do tiếp xúc với nghi lễ huyền thuật.
Trong trường hợp này, người có thông nhãn tiếp xúc không phải với chính hòn lấy từ Cader Idris, mà với từ lực nó bị nhiễm; tức về mặt kỹ thuật ấy là hình ảnh sai lạc và họ đã bị dẫn dụ sai lầm; có thể ai có thông nhãn được luyện cao độ hẳn sẽ ý thức tình trạng và tránh được lỗi này.
Nay ta phải đối mặt với hai câu hỏi.
– Có phải vật được xem xét xử sự như là cái trung gian, truyền đi rung động từ nó dọc theo bàn tay và cánh tay của người xem xét - có người cầm vật trong tay lúc tìm hiểu, người khác áp nó vào trán - đến tâm thức - não vật chất, ether, tình cảm và trí ?
– Hay vật chỉ xử sự như là gạch nối, làm người xem xét tiếp xúc en rapport với Thiên ảnh ký, rồi khi ấy họ đọc từ đó và không cần đến vật nữa ?
Nếu câu đầu trả lời là đúng thì ta phải nhìn nhận là trong lúc thấy hình ảnh, có một dòng rung động truyền đi từ Thiên ảnh ký.
Nếu câu sau đúng, thì hào quang thực sự hay lực tỏa ra của chính vật chỉ đóng phần nhỏ, hay không đóng vai trò gì một khi có được tiếp xúc. Trường hợp của viên đá bị nhiễm (viên thứ hai) có thể được xem là phản bác lại kết luận này, vì người ta xem từ hào quang của nó thay vì xem từ chính hòn đá. Nó cũng đưa ta tới kết luận là không phải vật có hình hài vật chất cho ra kết quả khi dùng thuật linh thị, mà đúng hơn là tình trạng từ lực mà nó bị bao quanh và thấm đẫm, tạo nên nhịp tương ứng với rung động trong hào quang của người xem xét, qua đó tâm thức thành có ý thức về từ lực này, diễn giải nó và truyền về não bộ.
Kết luận có thể làm ta hài lòng, nếu ta chấp nhận rằng việc tiếp xúc thực sự với vật là điều kiện bắt buộc phải có sine qua non trong thuật linh thị; như thế với cách dùng thông nhãn mà không cần tiếp xúc, thì đó là một hình thức khác được sử dụng của việc thấy ở cõi thanh.
Việc tìm ra một vật bị thất lạc có thể là nhờ thuật linh thị, nhưng trên thực tế nó có thể là do một hình thức khác về khả năng tâm linh, thí dụ người có khả năng như vậy có thể tìm ra bao tay phải bằng cách được cho tiếp xúc với bao tay trái. Khi ấy, cái sau làm cho họ cảm biết en rapport được chủ nhân bao tay, còn những hiểu biết siêu phàm thêm về bao tay phải, sẽ có được bằng việc dùng một loại thông nhãn khác.
Hiểu biết của ta về các đề tài này còn quá ít oi nên khó mà đi tới kết luận. Về điều ta nói là phải có tiếp xúc với rung động của vật chất, ta ý thức được một vật là do rung động phát ra từ vật ấy đi vào mắt và võng mô theo mầu sắc, kích thước và hình dạng. Các rung động này đi theo dây thần kinh thị giác về não vật chất, ether và rồi tình cảm, trí, đến tâm thức ở cõi trí; tại đây chúng được ghi nhận và diễn giải theo kinh nghiệm trước đây thành đồ vật, có mầu sắc v.v. và được phóng chiếu vào não với hình dạng mà ta cho là chúng có.
Tất cả những gì mà não vật chất của ta nhận được từ một vật là làn rung động do vậy ta có thể suy luận về câu hỏi là một vật thực sự là gì. Nếu không có hiểu biết này, ta không biết là cõi trần xem ra quen thuộc thực sự gồm có những gì. Hiểu biết của ta bị giới hạn bởi làn rung động mà ta có thể đáp ứng qua ngũ quan. Những cái sau là cách duy nhất cho ta tiếp xúc với thế giới quanh mình.

Diễn Tiến của Tâm Thức trong thuật linh thị

Đôi lúc tôi cố gắng theo dõi chi tiết diễn tiến thực sự của tâm thức trong thuật linh thị, để có được hiểu biết đầy đủ hơn lý lẽ của nó. Một người bạn thân học hỏi về Theosophy nói rằng nỗ lực đầu tiên trong việc này, là giữ cho cái trí và cơ thể tĩnh lặng; lúc tương đối có tĩnh lặng rồi thì cố gắng hòa mình với vật. Khi hỏi thêm về điểm sau thì anh không thể giải thích hơn, ngoài việc nói rằng anh chủ tâm trở thành là một với vật, hay đúng hơn là một với linh hồn và tính chất của vật; trong diễn tiến này anh thành ra thụ động ở những cõi thấp; thể xác lặng lẽ ở trong tư thế nghỉ ngơi với tay chân không bắt tréo, và xương sống thẳng.
Nếu điều kiện thích hợp, đôi khi một hình duy nhất hiện ra trước mắt trong trí anh, như thể nó trôi nổi trong không ở mức ngang với trán cách khoảng 15 cm; nếu không có gì xẩy ra, anh sẽ đặt vật chạm vào giữa trán và nỗ lực hơn nữa để cảm biết bản chất của vật.
Anh không ngần ngại mô tả hình ảnh đầu tiên hiện ra, mà không nói gì đến ý nghĩa có thể có hay ngay cá ý thông thường về hình dạng v.v.; anh gạt qua bên mọi ý tưởng đã có trước về bất cứ đề tài gì, cố gắng loại bỏ bất cứ diễn giải riêng nào của mình; anh thích không biết gì hết, bất cứ cái gì, về vật, chủ nhân của nó, hay mục đích của cuộc thí nghiệm; yêu cầu duy nhất của anh là được xác nhận khi anh đi theo hướng mà việc tìm kiếm đòi hỏi.
Thông thường mô tả về hình ảnh đầu tiên cho thấy ngay là anh đi đúng hướng hay không. Nếu đúng, như đa số trường hợp là vậy, anh sẽ nói.
– Nào, bạn muốn biết gì về nó ?
và khi được cho hay, anh sẽ chìm đắm vào đề tài, thành hoàn toàn không màng gi đến khung cảnh chung quanh ở cõi trần khi ấy, và mô tả điều mình thấy thật rõ ràng khi anh theo đuổi sự việc.
Nói về trạng thái tâm thức của mình, anh bảo khi được biết chắc hình đầu tiên là hình đúng, và biết hướng phải đi tìm, anh rút cái trí  khỏi vật và chú tâm vào hình, cố gắng đi vào nó và trở thành một với nó, cùng lúc ấy giữ cho trong lòng được an tĩnh, lặng lẽ.
Nếu thành công, anh thấy mình - hay đúng hơn là một phần của anh, vì trong tiềm thức anh luôn luôn biết là mình ngồi trong phòng và với sự hiện diện của chúng tôi - thực sự hiện diện ở cảnh đã mô tả, và để tìm hiểu thêm thì đó là việc trụ tâm thức của anh, vào phần của hình có chứa đựng chi tiết muốn biết.
Ta có một thí dụ về các tình trạng khác nhau này của tâm thức, khi anh được yêu cầu xem lá thư của một bà gửi từ Nam Phi, để coi có thể xác định tình trạng sức khỏe và hạnh phúc của bà.
Bức hình đầu tiên là cảnh biển bao la đi kèm với cảm giác ở trên biển. Anh hỏi có phải lá thư từ ngoại quốc gửi đến; khi có xác nhận, anh mô tả một thị trấn lớn có nhiều nhà cửa mầu trắng và nhiều cây cỏ; kế tiếp anh cho biết đúng hướng của thị trấn từ vị trí đang có của mình, theo la bàn - đây là phần thông nhãn đặc biệt chính xác của anh - và anh được cho hay là đã mô tả thị trấn đúng vậy.
Kế tiếp anh thấy một bà trong vườn và tả cả hai với nhiều chi tiết; người ta nhận ra thiếu phụ nhưng không nhận ra khu vườn - về sau được biết là thiếu phụ đổi chỗ ở. Rồi anh mô tả khí hậu và sức khỏe của bà; anh bảo mình cảm thấy nóng bức nhiều tại một quốc gia nắng nôi. Sau khi ngừng một chốc, anh cảm thấy cơ thể mình bị nóng sốt, và nói là thiếu phụ  sẽ bị sốt nhẹ, và điều này sẽ làm thay đổi sự sắp xếp của người đang nhờ anh xem, khi họ tới nơi đó.
Tất cả những việc này xẩy ra đúng vậy về sau, ngay cả sự đau ốm được thấy trước. Khi cuộc thí nghiệm xong, vấn đề được quên hẳn và tâm thức trở lại bình thường.

Diễn Giải

Qua hằng trăm thí nghiệm, có vẻ như người biết thuật làm được những chuyện sau:
1. Hòa tâm thức mình vào phần của Thiên Trí mà vật được xem xét là biểu hiện hữu hình. Bởi việc sờ chạm vật chất xem ra là điều thiết yếu trong loại thông nhãn này, cái tiếp xúc đầu tiên có lẽ xẩy ra ở cõi tình cảm, nên đầu tiên hết thẩy thuật linh thị là khả năng ở cõi này, do trí năng làm chủ và điều khiển.

2. Tạo ra trở lại trong các thể của mình, làn rung động của Thiên ảnh ký bao quanh và thấm sâu vào vật. Việc này tự động và luôn luôn xẩy ra trong những trường hợp tiếp xúc bằng cảm quan, nên phương pháp thông thường của tâm thức là đủ để giải thích cách nó biểu lộ nơi cá nhân.

3. Truyền các rung động này về não và từ đó vào tâm thức. Diễn biến này cũng tự động, tuy sự nhậy cảm của não có thể là yếu tố chính yếu cho thuật linh thị.

4. Nhận trở lại vào não đáp ứng của tâm thức dưới dạng hình ảnh và ý tưởng. Chuyện cũng tự động; hình thấy nhỏ này, như thể ngay trước mặt, là một hình tư tưởng sinh ra khi đáp ứng của tâm thức đến cái trí.

5. Biểu lộ kết quả thành lời trong khi vẫn theo dõi làn rung động đang được diễn giải. Đây là lúc người ta thấy hình đầu tiên và mô tả nó, và với câu hỏi: ‘Làm sao làn rung động bao quanh một vật được biến thành hình và ý tưởng ?’ là câu trả lời: ‘Bằng cách thông thường của tâm thức.’

6. Thay đổi chỗ trụ của tâm thức từ vật sang hình mà cái trước dẫn dụ tới.

7. Đem tâm thức vào hình, cái lập tức biến thành khung cảnh thực sự ở cõi trần. Khả năng này có vẻ khó làm nhưng thực ra nó chỉ là vấn đề về sự thay đổi chỗ trụ, dựa theo ý kiến của một người biết thuật, họ bảo làm vậy không cần cố gắng chi hết; hơn nữa, có khi việc diễn ra trước khi họ biết, nhất là nếu vật nhiễm, hay được truyền, từ lực mạnh mẽ.
Có lẽ điều này xẩy ra khi ta có vật luôn tiếp xúc en rapport với mỗi cảnh tượng trong lịch sử của nó.

8. Cùng lúc ấy giữ sự tự chủ và dùng ngũ quan để mô tả kinh nghiệm như đang xẩy ra, nghe và trả lời câu hỏi. Làm vậy đòi hỏi có sự thay đổi mau lẹ chỗ trụ tâm thức, để khả năng mô tả kinh nghiệm tâm linh như đang xẩy ra, và nghe rồi trả lời câu hỏi, có thể là kết quả của một trong hai tiến trình.
● Việc nâng tâm thức từ cõi trần sang nơi kinh nghiệm xẩy ra, và trụ vào nó trở lại ở cõi trần. Diễn biến của tâm thức xẩy ra thật mau lẹ, đến mức không mất chút thời gian nào ở cõi trần.
● Việc phản ảnh nơi con người - là tiểu vũ trụ - một tính chất của đại vũ trụ, là Thượng Đế, đấng cảm biết mọi điểm trong Vũ Trụ của ngài, và cùng lúc ý thức luôn bên ngoài sự biểu hiện ấy, nơi có thể được xem là chỗ ngài ‘ngụ’ với các Đấng khác ngang hàng, như kinh Bhagavad Gita nói:
‘Sau khi thấm nhuần vũ trụ này với một phần của Ta, Ta còn đó.’
Having pervaded this universe with a portion of myself, I remain.
Có ý khác nói rằng trong trường hợp khẩn cấp, một người có thể được kêu gọi đi trợ giúp ở cõi tình cảm trong lúc thức tỉnh, mà không cần phải thiếp ngủ hay mê man, như vậy ‘một phần của con người’ có lẽ làm việc theo cách ấy.
Chuyện đáng nói về sự liên kết này là câu hỏi dồn dập, hay xáo trộn thình lình ở cõi trần làm người biết thuật bị lạc hướng, khiến họ mất đi sự liền lạc trong lúc xem xét, và do vậy họ trụ tâm thức hoàn toàn vào cõi trần, và tâm thức bên trong biến mất. Xem như trong lúc dùng thuật linh thị, tâm thức không có tính phàm trần trọn vẹn hay tâm linh trọn vẹn, mà có trạng thái ‘nằm’ ở lưng chừng giữa hai nơi, và tiếp xúc với cả hai khi làm việc. Bất cứ xáo trộn nào xẩy ra cho việc ‘nằm’ này của trạng thái nào sẽ làm mất sự tiếp xúc.

9. Có cảm biết ở cõi trần tình trạng vật chất của khung cảnh họ đang quan sát, và để cảm xúc cùng tạo ra trở lại điều kiện khí hậu của một thời điểm hay nơi chốn, và sức khỏe của một cá nhân.
Việc tạo ra trở lại về mặt vật chất và tâm thức những tình trạng được xem xét, có thể là do óc tưởng tượng, một hình thức của sự hồi nhớ, hay sự hòa hợp chặt chẽ các hoạt động của cái trí và thể xác, trong lúc ở trong tình trạng mẫn cảm.
Sự kiện những tình trạng này thuộc về trí năng hơn là sự tiếp xúc rapport thực sự, được chứng tỏ qua việc bệnh tật trong tương lai có thể sinh ra kết quả này, như trường hợp lá thư từ Nam Phi sinh ra tình trạng nóng sốt trong cơ thể, dù rằng phải hai tháng sau cơn bệnh mới xẩy ra.

10. Biểu hiện điều tâm thức vượt qua giới hạn của cõi trần về không gian và thời gian.
Ta có thể cho rằng người biết thuật đặt mình vào trung tâm của làn rung động của vật, từ vị trí đó họ có thể đọc bất cứ phần nào của rung động ấy. Sự rung động của vật khiến họ tiếp xúc en rapport với trọn lịch sử của nó, nên để đọc bất cứ phần nào thuộc lịch sử ấy họ phải chú tâm vào phần đó.
Có thể là khi tìm hiểu nơi mà việc quan sát thực sự diễn ra, ta sẽ tiến gần hơn đến lời giải đáp cho vấn đề.
Người biết thuật có khả năng khác nhau; khả năng thấy được quá khứ, tương lai và khoảng cách có thể tùy vào nhiều yếu tố như thể chất đặc biệt của họ, mức tiếp nhận của não với các rung động siêu phàm, và tình trạng của một hay tất cả các thể thanh. Thể mà quyết định mức tiếp nhận lại tùy thuộc vào nơi mà từ đó họ quan sát. Tôi nghĩ ta có thể an toàn cho rằng cái nhìn của người dùng thuật, hoặc xẩy ra ở cảnh mà quá khứ, hiện tại và tương lai hòa lẫn với nhau thành một vĩnh cửu bây giờ, hay ở trên cõi mà trong đó trạng thái tâm thức ấy phản ảnh lại một phần nào.
Điều này nâng thuật linh thị lên một cõi rất cao, và như vậy có nghi ngờ là mấy ai chuyên nghiệp về thuật và những ai khác có thông nhãn, có thể đủ điều kiện ứng với mức cao như thế. Chắc chắn là thuật linh thị không tùy thuộc vào - nếu nói về chỉ riêng kiếp này ở cõi trần nơi mà thuật biểu lộ - mức độ tinh thần, học vấn, lòng xả kỷ, đạo đức, cách dinh dưỡng hay mức tiến hóa ngoài mặt.
Đôi khi thuật do sự di truyền nhưng không phải lúc nào cũng vậy; có lẽ ta gặp nó thường hơn ở các chi của giống dân thứ tư hơn là thứ năm, tuy có nhiều người thuộc giống dân sau, như thí nghiệm với bạn bè cho thấy. Theo quan điểm về huyền bí học, thuật phải do karma và là kết quả của việc tập luyện về tâm linh trong nhiều kiếp trước.
Tôi nghĩ thuật linh thị là một đề tài đáng cho ta tìm hiểu và làm sáng tỏ hơn.

Trích:
Psychometry,
Geoffrey Hodson.
The Herald of the Star, June 1923.